Giaùo duïc cuûa Ñöùc Phaät laø giaùc ngoä töï taùnh
Kinh Ñieån Phaät Thuyeát vieân maõn ñuùng nghóa laø hoïc taäp vaø chuyeân tu

daitangkinh.vn

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

TẬP NĂM - A
 

Chư vị Pháp Sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống!

Hàng thứ nhất, trang thứ ba của sách Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, xem từ hàng thứ nhất.

Thử nhất cú Phật hiệu, chánh như Yếu Giải sở thị, tức thị chúng sanh bổn giác lý tánh, cố triThử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác. Một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã dạy, chính là lý tánh trong bổn giác của chúng sanh.

Cho nên biết: Cái tâm niệm Phật nhỏ nhoi này chính là quả giác của Như Lai. Trong lần trước, chúng ta đã đọc tới chỗ này. Câu này vẫn phải nói rõ cặn kẽ hơn một chút, nó có quan hệ rất lớn đối với sự niệm Phật của chúng ta. Cái giới nhĩ năng niệm chi tâm này là chân tâm, mà cũng là vọng tâm. Trong các thứ vọng tâm, nó gần với chân tâm nhất.

Vì sao?

Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm nó là chân tâm. Hễ khởi tâm động niệm, nó là vọng tâm, chỉ là cái tâm bé nhỏ này vừa mới dấy lên ý niệm. Nhìn từ phía chân và vọng, cái tâm này khó có. Dùng cái tâm này để niệm Phật thì cái tâm ấy chính là Như Lai quả giác được nói đến ở đây. Người ấy chẳng mê, chẳng có hoặc phiền não, tức là chẳng mê hoặc.

Khi một niệm tâm khởi lên, bèn A Di Đà Phật. niệm Phật phải niệm theo cách như vậy. Nay chúng ta là phàm phu, là lục đạo phàm phu chính cống. Nếu trong Kinh đại thừa, Đức Phật không nói ra, chúng ta sẽ vĩnh viễn không nhận biết một niệm tâm này.

Nó quá vi tế, giới nhĩ có nghĩa là vi tế, nhỏ nhiệm, cực kỳ vi tế, chúng ta không có cách nào nghĩ tưởng được.

Chúng ta vừa mới dấy lên một niệm suy tưởng, Di Lặc Bồ Tát đã bảo: Trong một niệm tưởng, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, đấy là giới nhĩ năng niệm chi tâm. Cái tâm có thể niệm nhỏ nhoi này. Chúng ta vừa mới tưởng, trong cái ý niệm vừa dấy động ấy, bèn có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm.

Di Lặc Bồ Tát đã cho chúng ta biết. Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm chỉ là trong khoảng khảy ngón tay, cho nên không có cách nào thấu hiểu điều này được.

Trong Kinh, Đức Phật cũng nói rất rõ khi nào quý vị mới có thể quan sát, nhận biết những niệm vi tế này tồn tại: Phải là khi đã đạt đến Bát địa Bồ Tát, tức Bát địa Bồ Tát trong Viên giáo như Kinh Hoa Nghiêm đã nói. Từ Thất Địa trở về trước, đều không có cách nào cảm nhận được.

Bát Địa Bồ Tát có công phu định lực như vậy, chúng ta gọi công phu ấy là thanh tịnh tâm. Cái tâm thanh tịnh ấy đạt đến mức độ tinh thuần như vậy, nên Ngài mới cảm nhận được.

Cao hơn nữa là Cửu địa, Thập địa, Thập nhất địa Đẳng giác, trên nữa là Diệu giác, đó chính là viên mãn, tức quả Phật rốt ráo viên mãn.

Nay chúng ta nên học như thế nào?

Phải rèn luyện trong cuộc sống thường ngày.

Chúng ta có thể học theo bí quyết về phương pháp huấn luyện trong cuộc sống thường ngày của Ấn Quang Đại Sư, bí quyết gì vậy?

Chính là chữ tử trong sanh tử, thường nghĩ đến lúc phải đối diện cái chết. Đừng sợ chết.

Quý vị phải biết: Chết là thân có sanh tử, chứ linh hồn thần thức không có sanh tử. Nếu sau khi chết, cái gì cũng đều không có, linh hồn cũng chẳng có. Nói chung, chúng ta cũng chẳng cần phải học Phật, cũng chẳng cần phải tu hành, giống như phàm nhân thường nói người chết như ngọn đèn đã tắt.

Chết rồi, cái gì cũng đều chẳng có. Không phải vậy. Thân chết, linh hồn không chết. Linh hồn lại đi đầu thai, tức là nói luân hồi trong lục đạo, chuyện này phiền phức lắm.

Chúng ta phải thật sự hiểu rõ, minh bạch chân tướng sự thật này: Thần thức chẳng thể chết được. Trong quá khứ, khi giảng Kinh, tôi đã nói rất nhiều lần, chết là phiền lắm. Phiền phức quá lớn. Nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, vãng sanh Tịnh Độ là thành Phật.

Có thể làm được hay không?

Ai cũng có thể làm được.

Chỉ cần quý vị hiểu lời khai thị này của Pháp Sư Ấn Quang, thường nghĩ thọ mạng của mình chỉ là một ngày hôm nay, đừng nghĩ sẽ có ngày mai, chỉ có ngày hôm nay thôi, quý vị còn có gì mà không buông xuống được?

Chỉ có một ngày hôm nay, ngày hôm nay là ngày cuối cùng, ta phải nên làm chuyện gì?

Thật thà niệm Phật, chẳng phải là đã thành công rồi hay sao?

Cách niệm như thế nào?

Mỗi tế bào trên thân thể ta đều là A Di Đà Phật, mỗi sợi lông đều là A Di Đà Phật. Ta lại mở banh mắt nhìn ra thế giới bên ngoài, nghe âm thanh bên ngoài, những điều mà sáu căn tiếp xúc, chẳng có điều nào không phải là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật trọn khắp pháp giới. Đấy là niệm Phật.

Trong Kinh đại thừa, Đức Phật đã giảng rất hay: Hết thảy chúng sanh, chúng sanh ở đây hiểu theo nghĩa rộng, không theo nghĩa hẹp, do các duyên hòa hợp sanh ra hiện tượng thì gọi là chúng sanh, có hiện tượng nào chẳng phải do các duyên hòa hợp?

Cái thân động vật của chúng ta do các duyên hòa hợp, gọi theo danh từ Phật học là tứ đại, ngũ uẩn. Tứ đại là vật chất, ngũ uẩn là tinh thần, tức thọ, tưởng, hành, thức. Tứ đại và ngũ uẩn hợp thành thân thể này.

Hoa, cỏ, cây cối thì sao?

Hoa, cỏ, cây cối cũng vậy, cũng do các duyên hòa hợp mà sanh. Chúng ta thấy thân tướng của chúng là hiện tượng vật chất.

Chúng có thọ, tưởng, hành, thức hay không?

Có chứ. Không rõ ràng như động vật, trì độn hơn động vật nhiều lắm, nhưng chúng có thọ, tưởng, hành, thức.

Nếu không có, làm sao chúng ta có thể khởi cảm ứng đạo giao với chúng?

Mười năm gần đây nhất, tôi di dân sang Úc, lập một Đạo tràng tại Úc. Đất ở Úc rẻ, tiền xây cất Đạo tràng rất thấp, đất đai đặc biệt rẻ. Hoàn cảnh sống của tôi ở Úc là ở vùng nông thôn, cách thành phố mười hai cây số, lái xe vào thành phố mất mười lăm phút.

Phía ngoài căn nhà tôi ở là sân, sân to chừng nào?

Cỡ một trăm bảy mươi mẫu Trung Quốc, sân to như vậy đó. Phía ngoài dùng dây kẽm rào lại, đi vòng quanh hàng rào ấy phải mất một giờ. Vì thế, tôi trồng rất nhiều rau, rất nhiều cây cối, hoa cỏ. Cây cối, hoa, cỏ có linh khí, rau có linh khí, thực vật có linh tánh, chúng có khả năng thấy nghe, hay, biết.

Chúng ta dùng thiện tâm chăm sóc, đối đãi chúng, chúng sẽ báo đáp tốt đẹp: Hoa nở đặc biệt thơm, kết quả đặc biệt ngọt, chúng đền đáp đấy. Chúng tôi không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ tổn hại chúng, chúng chẳng muốn tiếp nhận. Chúng giống như chúng ta, có một phần tinh thần. Phật Pháp nói đến tâm, thực vật có tâm pháp.

Chăm sóc vườn rau, vườn rau rất lớn, chúng tôi tổ chức các hoạt động, rau trong vườn có thể đủ cung cấp cho một ngàn người ăn. Tổ chức các hoạt động suốt bảy ngày có thể chẳng cần phải mua rau ở bên ngoài. Vườn rau của chúng tôi có thể đủ cho một ngàn người ăn mỗi ngày. Vườn rau to ngần ấy, trồng rất nhiều loại.

Pháp Sư Ngộ Khiêm cho tôi biết: Cô ta trông nom vườn rau, một hôm nằm mộng, thấy có một trái dưa leo báo mộng: Tôi đã già khằng rồi mà các cô không hái. Quý vị thấy nó báo mộng cho cô ta vì cô trông nom vườn rau.

Hôm sau, thức dậy, cô ta cảm thấy lạ lắm, băn khoăn: Mỗi ngày mình đều vào vườn, cớ sao chẳng thấy?

Tìm đúng vị trí trái dưa đã chỉ trong giấc mộng, quả nhiên có một trái dưa. Nó khuất sau mớ dây leo nên chẳng thấy. Cô ta thấy nó đúng là quá già, chẳng thể nào ăn được.

Thôi! Để dành làm giống vậy.

Quý vị thấy đó: Dưa có thể báo mộng cho quý vị. Cho nên nó có linh tánh, quý vị đừng coi rẻ, xem thường nó. Quý vị phải tôn trọng nó. Không chỉ cây cối, hoa, cỏ có linh tánh, mà núi, sông, đại địa cũng có linh tánh, cũng tức là nói khoáng vật có linh tánh. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bổn làm thí nghiệm với nước, nhà khoa học này thừa nhận, ông ta chẳng bịa chuyện.

Ông ta làm thí nghiệm mười hai năm, nước là khoáng vật, nó có thể thấy và nghe, hiểu ý nghĩ của con người. Sau khi tin tức này được công bố, nói theo Phật Pháp, sở dĩ nước có thể thấy, nghe, hiểu ý là vì tất cả hết thảy khoáng vật, núi, sông, đại địa đều có linh tánh, cũng có thể nói là chúng đều có thọ, tưởng, hành, thức.

Thân thể của động vật là ngũ uẩn, nhưng thực vật và khoáng vật cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, chẳng lìa ngũ uẩn, chỉ là mức độ mẫn cảm khác nhau. Động vật mẫn cảm nhất, rõ ràng nhất, thực vật kém hơn, khoáng vật kém hơn nữa, nhưng vẫn có linh tánh.

Do điều này, chúng ta mới thật sự hiểu một hạt vi trần có là A Di Đà Phật hay không?

Đúng vậy.

Một sợi lông có phải là A Di Đà Phật hay không?

Phải.

A Di Đà Phật ở đâu?

Khắp pháp giới hư không giới, không chỗ nào chẳng phải là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là tự tánh, là tánh đức của chúng ta. Một niệm của chúng ta vừa dấy lên, bèn tương ứng viên mãn với tánh đức, đó gọi là niệm Phật. Giới nhĩ năng niệm chi tâm chính là quả giác của Như Lai, chẳng giả tí nào.

Thị cố, Quán Kinh vân. Do vậy, Quán Kinh nói. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh là một trong ba Kinh Tịnh Độ, bộ Kinh này giảng về lý luận và phương pháp tu hành.

Còn Kinh Vô Lượng Thọ là Tịnh Tông khái luận, giới thiệu toàn thể y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Quán Kinh chuyên giảng về hai bộ phận lý luận và phương pháp. Kinh A Di Đà là lược bổn bản rút gọn của Kinh Vô Lượng Thọ, tức là một phiên bản version tinh giản, thuận tiện cho quý vị học tập trong khóa sáng và khóa tối.

Trong Kinh ấy, có bốn lần khuyên dạy, chẳng dễ có, rát miệng, buốt lòng khuyên bảo chúng ta hãy tin tưởng, hãy phát nguyện, phải cầu sanh Tịnh Độ, làm như thế là đúng. Đây là Chư Phật Như Lai bi tâm vô tận, mong cho chúng ta thành tựu trong một đời.

Trong các Kinh Điển khác, Đức Phật chẳng khuyên chúng ta nhiều như thế, nhưng trong Kinh Di Đà khuyên tới bốn lần. Cũng có nghĩa là pháp môn này đảm bảo quý vị sẽ thành tựu trong một đời. Chỉ cần thật sự làm được, chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, sẽ thành công. Đại Thế Chí Bồ Tát đã làm gương cho chúng ta thấy.

Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, có hai câu như sau: Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Đây là nguyên văn hai câu trong Kinh ấy. Tâm này là Phật, tôi vừa mới nói lắm lời như vậy chỉ nhằm giải thích bốn chữ này.

Tôi nói tới các tế bào trên toàn thân chúng ta thì tế bào vẫn còn lớn. Nếu chia chẻ tế bào, sẽ biến thành phân tử. Lại chia chẻ phân tử, sẽ biến thành nguyên tử. Chia đến cuối cùng là hạt cơ bản. Mỗi hạt cơ bản đều là A Di Đà Phật, do tâm biến ra. Hạt cơ bản là tâm, tâm này là Phật, lẽ nào các hạt cơ bản ấy chẳng phải là Phật.

Tất cả tế bào trên thân tôi đều là Phật, các tế bào trên thân quý vị có là Phật hay không?

Là. Ngay cả cây cối, hoa cỏ, núi, sông, đại địa đều là.

Từ chỗ này, quý vị sẽ giác ngộ: Chẳng có một pháp nào chẳng phải là A Di Đà Phật. Hễ giác ngộ, pháp nào cũng đều như thế.

Do vậy, Kinh Phật được mở đầu bằng câu như thị ngã văn, như thị là gì vậy?

Như là chân như. Tướng giống như tánh, tánh giống như tướng, tánh và tướng bất nhị. Tánh là Phật, lẽ nào tướng chẳng phải là Phật. Đâu có lẽ ấy. Tâm này là Phật, có chuyện gì chẳng phải là Phật.

Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, Phật là gì?

Phật là tâm, là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm, là gì?

Cái tâm có thể sanh, có thể hiện. Cái tâm có thể biến chính là thức tâm, tức A lại da thức, chuyển các tướng có thể hiện, có thể sanh thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, chuyển biến thành lục đạo luân hồi. Đó là chuyện thực hiện bởi thức tâm.

Thức là gì?

Là phân biệt, chấp trước. Thức thức sáu, tức ý thức, phân biệt. Thức thứ bảy chấp trước, Mạt Na chấp trước. Thức thứ sáu phân biệt, thiên biến vạn hóa.

Sách Hoàn Nguyên Quán nói có ba thứ châu biến trọn khắp, xuất sanh vô tận sanh ra vô tận chính là nói về ý nghĩa này. Tâm này là Phật, không gì chẳng phải Phật, dùng tâm này để trì danh niệm Phật.

Tâm này làm Phật, làm Phật như thế nào?

Niệm Phật là làm Phật, niệm Bồ Tát là làm Bồ Tát, niệm A La Hán là làm A La Hán.

Người trong thế gian hiện nay niệm gì?

Đầu óc nghĩ tới tiền, nghĩ nhớ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, nghĩ tới những thứ này. Niệm những điều này sẽ biến thành những điều này, niệm gì sẽ biến ra đó, giống như ống kính vạn hoa vậy, niệm cái gì sẽ biến ra cái đó. Niệm ngũ dục sẽ không phải là Phật.

Tài sắc là gì?

Thưa quý vị, tài sắc là ngạ quỷ, địa ngục.

Vì sao?

Quý vị nổi tâm tham. Tâm tham là ngạ quỷ, sân khuể là địa ngục, ngu si là súc sanh. Ngu si là chẳng liễu giải chân tướng sự thật, nên gọi là ngu si.

Trong thế gian hiện thời, mấy ai hiểu rõ chân tướng sự thật?

Nếu chúng ta không học Kinh Giáo đại thừa, sẽ chẳng có cách nào thoát khỏi ngu si. Chỉ có những Kinh Điển Phật Pháp đại thừa mới giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Ngộ ở đây chẳng phải là chứng ngộ, mà là giải ngộ, chúng ta đã hiểu rõ.

Vì sao chưa chứng đắc?

Chưa buông xuống.

Thật sự buông xuống là cảnh giới nào?

Tôi vừa mới nói đấy thôi. Khi thật sự buông xuống, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, chẳng phải là thô niệm, mà là tế niệm, niệm niệm thật sự giác ngộ.

Trong cảnh giới ấy chẳng có lục đạo, chẳng có mười pháp giới, cảnh giới ấy là Cõi Thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Chúng ta gọi cảnh giới ấy là nhất chân pháp giới, nhất là thật, nhị là giả.

Quý vị đọc đoạn thứ nhất trong Hoàn Nguyên Quán, tức bài văn của Hiền Thủ Đại Sư, Ngài đã giảng về nhất chân, cảnh giới đó là thật: Tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể là tâm, là Phật, chẳng hai. Tâm và Phật là một, chẳng hai.

Khởi lên nhị dụng thì sao?

Khởi lên nhị dụng sẽ biến đổi.

Nhị dụng là gì?

Vũ trụ xuất hiện, vạn vật xuất hiện, ta xuất hiện. Ta là chánh báo. Trừ chánh báo ra, tất cả hết thảy hoàn cảnh đều là y báo. Trong y báo, có y báo nhân sự, tức là quan hệ giữa con người với nhau, và y báo hoàn cảnh vật chất.

Hễ ý niệm vừa dấy lên, y báo và chánh báo trang nghiêm đều xuất hiện. Khi nó xuất hiện, nó chưa biến, đều do tự tánh hiện. Do vậy, có thể hiện, có thể sanh, nhưng chẳng biến hóa. Đấy gọi là nhất chân pháp giới. Nhưng nếu khởi phân biệt, cảnh giới sẽ biến đổi.

Chư vị phải hiểu: Tâm phân biệt dấy lên, sẽ chẳng thấy Cõi Thật báo nữa, xuất hiện cảnh giới gì?

Tứ Thánh pháp giới, tức là bốn tầng trên trong mười pháp giới, có phân biệt, nhưng không chấp trước.

Nếu hơi có một chút chấp trước, chấp trước gì vậy?

Ta mong khống chế nó, toan chiếm hữu nó.

Hễ có ý niệm như thế, Tứ Thánh pháp giới chẳng còn nữa, không thấy nữa, lại xuất hiện gì?

Lục đạo luân hồi xuất hiện.

Lục đạo do đâu mà có?

Do chấp trước. Do vậy, trong lục đạo, toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều có. Trong Tứ Thánh pháp giới, có vọng tưởng, có phân biệt, nhưng chẳng có chấp trước. Trong nhất chân pháp giới của các Cõi Phật, có vọng tưởng, nhưng không có phân biệt và chấp trước. Chấp trước hại chết người.

Vì sao quý vị sống trong thế gian khổ sở như thế?

Do chấp trước. Chấp trước chẳng còn nữa, trong thế gian này, quý vị sẽ sung sướng, chẳng khổ sở, lìa khổ, được sướng. Câu tiếp theo là tâm này làm Phật quá quan trọng.

Vì sao quý vị chẳng niệm Phật?

Niệm Phật được tự tại, niệm Phật được tương ứng, càng niệm càng hoan hỷ, càng niệm càng sung sướng, biết vạn sự vạn pháp trong khắp pháp giới hư không giới và chính mình là nhất thể. Quý vị bèn chứng đắc hai câu tâm này là Phật, tâm này làm Phật, đó chính là cảnh giới của quý vị.

Người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đối với bốn cõi, sẽ sanh trong cõi nào?

Sanh vào Cõi Thật báo trang nghiêm.

Đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, hoa nở, thấy Phật, chứng vô sanh pháp nhẫn, đó là gì?

Là một vị A Duy việt trí Bồ Tát thật sự, chẳng giả tí nào. Nếu chưa nhập cảnh giới này, vẫn có thể vãng sanh, thường gọi là đới nghiệp vãng sanh, pháp môn này thù thắng khôn sánh.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có đới nghiệp, chỉ có pháp môn này cho phép quý vị đới nghiệp vãng sanh, sanh về Cõi Phương tiện hay Cõi Đồng cư của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Trong Thế Giới của chúng ta, Cõi Đồng cư là lục đạo, Cõi Phương tiện là Tứ Thánh pháp giới.

Nhưng Cõi Đồng cư và Phương tiện trong Thế Giới Tây Phương không giống với thế giới của chúng ta. Ở nơi đây Thế Giới Ta Bà, chúng ta có chướng ngại. Thứ bậc khác nhau sẽ chẳng thấy được cảnh giới của các Cõi Tịnh Độ khác. Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là thế giới bình đẳng, không có chướng ngại.

Điều này giống như gì?

Chúng ta học tập trong nhà trường, tiểu học và trung học chẳng ở chung trong một trường, học trò tiểu học chẳng thể đến trường trung học. Mà học trò trung học cũng chẳng thể đến học trong trường tiểu học. Trong tiểu học, còn có các lớp khác nhau.

Những trò cùng một lớp sẽ học chung với nhau. Nếu khác lớp, tuy là bạn đồng học, chẳng thường gặp mặt, chẳng cùng lên lớp với nhau. Thế Giới Cực Lạc rất đặc biệt, tiểu học, trung học, đại học cùng nghe giảng trong một phòng học.

Cho nên gặp mặt mỗi ngày, thật sự là đồng học. Học trò lớp một, lớp hai tiểu học cùng học với các đàn anh sinh viên đại học năm thứ nhất, năm thứ hai thuộc hệ nghiên cứu sinh, gọi nhau là huynh đệ hay đồng học, gặp mặt mỗi ngày.

Đấy là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Thế Giới Cực Lạc. Mười phương thế giới không có trạng huống và tình hình này, thù thắng lắm.

Do vậy, Thế Giới Cực Lạc là sanh vào một, là sanh hết thảy. Quý vị sanh vào Cõi Phàm Thánh đồng cư, gần như cũng đồng thời sanh vào Cõi Phương tiện và Cõi Thật báo. Đây là lý do vì sao Thích Ca, Di Đà khuyên chúng ta vãng sanh, Chư Phật trong mười phương thế giới cũng khuyên chúng ta vãng sanh, đạo lý ở chỗ này.

Nếu trong một đời này, chúng ta chẳng thể vãng sanh, làm sao xứng với Phật Thích Ca?

Làm sao xứng với Phật Di Đà?

Làm sao xứng với mười phương Chư Phật?

Những câu này, câu nào cũng đều là lời chân thật. Vì thế, hai câu nói tâm này là Phật, tâm này làm Phật đã nói trọn hết những nghĩa lý tinh vi của pháp môn Tịnh Độ.

Tiếp đó, cụ Hoàng Niệm Tổ viết: Bổn lai thị Phật, hiện hựu tác Phật. Thị cố, đương hạ tức Phật.

Vốn sẵn là Phật, nay lại làm Phật. Cho nên, ngay lập tức là Phật.

Câu này chẳng phải nhằm khuyến khích, cổ vũ chúng ta, mà là sự thật, vấn đề ở chỗ nào?

Vấn đề là bản thân chúng ta không dám gánh vác, bản thân chúng ta chẳng dám thừa nhận.

Không dám gánh vác, không dám thừa nhận là đúng, như thế nào là đúng?

Vốn là Phật. Chẳng cần nói năng chi nữa, lời này là đúng. Nay lại làm Phật, quý vị hữu danh vô thực.

Niệm A Di Đà Phật để mong thành Phật, nhưng có rất nhiều nghi vấn đối với câu Phật hiệu ấy, thật hay chăng?

Có rất nhiều câu hỏi trong đó. Niệm một câu Phật hiệu này, có rất nhiều xen tạp. Nhưng xen tạp những gì, chính quý vị cũng chẳng biết.

Vì sao không biết?

Do quý vị ngu si, tham, sân, si. Nếu chẳng ngu si, sẽ biết điều gì xen tạp. Do ngu si, nên xen tạp mà chẳng biết. Vì thế, công sức chẳng thuần. Niệm Phật lập tức thật sự là Phật, nhưng vì quý vị công phu chẳng thuần, chẳng đạt tiêu chuẩn, cứ hướng theo phương hướng đó thì sẽ chẳng sai, nhưng chưa đạt được mục tiêu này.

Làm sao để chẳng hoài nghi?

Phải thấy thấu suốt. Khi tôi mới học Phật, thầy dạy tôi thấy thấu suốt, buông xuống. Thấy thấu suốt là hiểu rõ minh bạch chân tướng sự thật. Kẻ căn tánh trung hạ như chúng ta chỉ có thể từ từ hiểu rõ Kinh Giáo. Sau khi hiểu rõ, quý vị cũng rất dễ buông xuống. Chính quý vị biết chẳng buông xuống là sai, lầm lẫn quá đỗi.

Vì sao phải buông xuống?

Vì nó phiền não, mê hoặc, chấp trước, phân biệt, vọng tưởng vốn không có, hết thảy đều là giả. Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, vạn pháp đều không. Khi đến Cõi Thường tịch quang tịnh độ, nhân quả cũng là không.

Chư vị phải biết: Đến Cõi Thường tịch quang, nhân quả chẳng còn nữa. Trong Cõi Thật báo, còn có nhân quả.

Trong Phật Môn có câu: Vạn pháp giai không, nhân quả bất không. Vạn pháp đều là không, nhân quả chẳng không. Trong mười pháp giới, nhân quả chẳng không. Thật ra, trong Cõi Thật báo, vẫn là nhân quả chẳng không, đến Cõi Thường tịch quang nhân quả mới chẳng còn nữa.

Trực tiếp liễu đáng, phương tiện cứu cánh, kỳ đặc thù thắng, bất khả tư nghị. Thẳng chóng ổn thỏa, thích đáng, phương tiện rốt ráo, đặc biệt lạ lùng thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn.

Mấy câu này là lời tán thán bộ Kinh này và pháp môn này, thù thắng khôn sánh. Chúng ta có thể gặp gỡ, tức là có nhiều phước báo. Thật đấy, trong pháp giới hư không giới, bao nhiêu vị Bồ Tát mong cầu mà chẳng cầu được.

Đạo tràng này của chúng ta tuy không lớn, thính chúng đông đảo, lũ chúng ta mắt thịt chẳng thấy. Khi quý vị thấy được, sẽ biết thính chúng nhiều vô số. Tuy chúng ta ở đây mở toang cửa, hoan nghênh mọi người, chẳng có bất luận điều kiện gì, nhưng rành rành là vẫn có Thần hộ pháp, có chẳng ít chúng sanh bị Thần hộ pháp chặn ở ngoài cửa, không vào được.

Chúng ta thờ bài vị, là thiết lập chỗ ngồi cho họ, để họ có chỗ ngồi, có thể tiến vào nghe Kinh, đến nơi đây tu hành. Hết thảy pháp toàn là huyễn hóa, chẳng có lớn hay nhỏ. Lớn hay nhỏ tùy thuộc tâm lượng của quý vị.

Tâm lượng càng lớn, Đạo tràng càng to. Tâm lượng nhỏ nhoi, Đạo tràng sẽ bé tí, đại Đạo tràng cũng biến thành tiểu Đạo tràng. Tâm lượng lớn, tiểu Đạo tràng cũng biến thành đại Đạo tràng, chẳng thể nghĩ bàn.

Tiện dĩ Tịnh Độ chư Kinh chi trung, duy thử Kinh bị nhiếp viên diệu. Ấy là vì trong các Kinh Tịnh Độ, chỉ có Kinh này gồm trọn các điều mầu nhiệm viên mãn. Tịnh Độ có Tam Kinh, trong phần trên tôi đã thưa với quý vị, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đem quyển cuối cùng của Kinh Hoa Nghiêm, ghép vào sau Tam Kinh, biến thành Tứ Kinh.

Ấn Quang Đại Sư đem Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật Viên Thông Chương của Kinh Lăng Nghiêm ghép vào cuối Tứ Kinh, biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh, viên mãn. Tu Tịnh Độ năm Kinh này là viên mãn.

Trong Ngũ Kinh, bộ Kinh nào giảng viên mãn nhất, một chút khiếm khuyết cũng không có?

Đó là Kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, Cổ Đại Đức tán thán bộ Kinh này là cực viên, cực diệu. 

Dĩ phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm vi tông, dĩ Di Đà thập niệm tất sanh chi đại nguyện vi bổn. Lấy phát bồ đề tâm, một bề chuyên niệm làm tông, lấy đại nguyện mười niệm ắt sanh của Phật Di Đà làm gốc.

Hai câu này rất quan trọng. Phẩm Tam Bối vãng sanh trong Kinh này đã giảng rất rõ ràng ý nghĩa của phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm.

Phẩm Tam Bối Vãng Sanh gồm bốn đoạn Kinh Văn: Thượng Bối vãng sanh, Trung Bối vãng sanh, Hạ Bối vãng sanh. Đoạn cuối cùng là tu học Đại Thừa Phật Pháp, bất luận tu học pháp môn nào, đem công đức đã tu hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, sẽ đều có thể vãng sanh.

Quý vị thấy pháp môn Tịnh Độ này lớn như thế đó. Trong khoa phán, Pháp Sư Từ Châu đã đặt đề mục cho đoạn này là nhất tâm Tam Bối, đặt hay lắm, đã gồm thâu toàn bộ Phật Pháp.

Phát bồ đề tâm, bồ đề tâm là gì?

Điều này thường được nói tới. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh giảng bồ đề tâm là chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm, Kinh dạy như thế. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, bồ đề tâm được giảng là trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Gộp chung Kinh và Luận lại để xem, ý nghĩa rất rõ rệt.

Thể của bồ đề tâm, cũng là chân tâm trong bồ đề tâm, thể của chân tâm là gì?

Là chân thành. Chân thành đến chỗ cùng cực thì gọi là chí thành, tức chí thành tâm.

Trực tâm như Khởi Tín Luận đã nói: Chẳng có mảy may cong vạy nào, đó chính là chân thành. Chúng ta chiếu theo Kinh Luận để hiểu ý nghĩa. Thâm tâm chẳng dễ giải thích. Cổ đại đức giải thích thâm tâm là ưa thiện, chuộng đức, giải thích thâm tâm như thế. Thâm tâm là tự thụ dụng, dành cho chính mình. Đại bi tâm là đối người khác, từ bi đối người khác.

Do vậy, trong hơn hai mươi năm trước, tôi giảng Kinh này, dùng ngay những từ ngữ trong tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, đó là thâm tâm. Chân thành tâm như đã nói trong phần trên chính là cái thể của bồ đề tâm. Thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác là tự thụ dụng, từ bi là tha thụ dụng.

Nói cách khác, dùng tâm gì đối với chính mình?

Thanh tịnh, bình đẳng, giác.

Dùng tâm gì đối với người khác?

Đại từ đại bi. Đây gọi là phát bồ đề tâm.

Chúng ta tu hành là tu điều gì?

Tu tâm.

Tâm chúng ta có thanh tịnh hay không?

Bình đẳng hay bất bình đẳng?

Tâm thanh tịnh là giới luật, tâm bình đẳng là thiền định, tâm chánh giác là trí huệ, giới định huệ.

Chúng ta học giới định huệ như thế nào, quý vị phải hiểu rõ: Nếu trì giới mà tâm chẳng thanh tịnh, quý vị đã uổng công trì giới. Tu định mà chẳng khai trí huệ, cũng uổng công tu định. Nhân giới đắc định, do định khai huệ. Vì thế, trì giới là phương tiện, không phải là mục đích, trì giới nhằm muốn đạt tới thiền định, đạt tới bình đẳng. Bình đẳng mới là định.

Nếu chúng ta thật sự đạt được cái tâm thanh tịnh, thưa quý vị, thủy tai trong tam tai chẳng còn nữa. Tâm bình đẳng hiện tiền, động đất chẳng còn nữa.

Hôm nay, có một đồng học đưa cho tôi xem một tài liệu, gần như chưa đầy một tháng, động đất cấp sáu trở lên đã xảy ra mười mấy lần tại các nơi trên toàn thế giới, liên tiếp xảy ra như thế là do nguyên nhân gì?

Từ cấp sáu trở lên đã đáng sợ lắm, có trường hợp động đất đến cấp tám. Sau khi giác ngộ, phong tai chẳng còn nữa. Ngu si cảm phong tai. Nếu chứng đắc tâm bình đẳng, nhiệt độ của địa cầu sẽ chẳng tăng lên, khôi phục bình thường.

Vì thế, Đức Phật chỉ dạy chúng ta: Cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si, siêng tu giới định huệ, dứt diệt tham, sân, si. Cảm ứng của tham, sân, si là tai nạn, là bất thường. Giới định huệ là bình thường.

Do vậy, phải phát bồ đề tâm, một mực chuyên niệm, một phương hướng là Tây Phương, một mục tiêu là Thế Giới Cực Lạc, một nguyện vọng là thân cận A Di Đà Phật, chúng ta sẽ thành công trong một đời này, những thứ khác đều là giả. Học rộng nghe nhiều khá lắm, nhưng tai ương, vô thường xảy đến, trở tay chẳng kịp.

Do vậy, tôi thường khuyên các đồng học: Học rộng nghe nhiều tốt lắm, nhưng sang Thế Giới Cực Lạc hãy làm.

Vì sao?

Sang bên đó, điều đầu tiên mà chúng ta đạt được là vô lượng thọ, dẫu học nhiều thứ vẫn được. Ta có thời gian mà. Ở nơi đây, sanh mạng quá ngắn ngủi, chúng ta chớ nên lãng phí thời gian, đừng lãng phí.

Hơn nữa, trong thế gian này, trí huệ chưa khai, học gì cũng chẳng viên mãn, hiểu biết nửa vời, lại còn phạm rất nhiều sai lầm, cớ gì cứ phải như thế?

Do vậy, phải thật thà, phải nghe lời. Đức Phật dạy chúng ta một mực chuyên niệm, Đức Phật dạy như thế trong Kinh Văn của Kinh Vô Lượng Thọ.

Tông là tôn chỉ, tông nghĩa là gì?

Là điều quan trọng nhất. Đây là nói về phương pháp tu học. Tông là phương pháp tu học quan trọng nhất, là phương pháp đáng tôn sùng nhất, thập phương Chư Phật đều tán thán. Phương pháp tu học chủ yếu của Tịnh Tông là nhất hướng chuyên niệm. Chữ Tông có ba ý nghĩa ấy.

Dĩ Di Đà thập niệm tất sanh chi đại nguyện vi bổn. Lấy đại nguyện mười niệm ắt sanh của Phật Di Đà làm gốc. Đây là nguyện thứ mười tám. Phát bồ đề tâm là nguyện thứ mười chín. Đây là hai nguyện trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện.

Cổ đại đức nói nguyện nào trọng yếu nhất trong bốn mươi tám nguyện?

Mọi người đều nói là nguyện thứ mười tám. Nguyện thứ mười tám là mười niệm hay một niệm, đều có thể vãng sanh.

Điều kiện là gì?

Điều kiện là trọn đủ tín nguyện.

Một niệm hay mười niệm là nói về lúc nào?

Là nói khi quý vị vãng sanh, lúc quý vị rời khỏi thế gian, niệm cuối cùng trong lúc ấy. Niệm cuối cùng là A Di Đà Phật, do niệm ấy bèn vãng sanh. Do vậy, lúc lâm chung, nếu một niệm vẫn là nghĩ tới tài sản trong nhà, xong luôn. Sẽ đi vào quỷ đạo.

***