Giaùo duïc cuûa Ñöùc Phaät laø giaùc ngoä töï taùnh
Kinh Ñieån Phaät Thuyeát vieân maõn ñuùng nghóa laø hoïc taäp vaø chuyeân tu

daitangkinh.vn

THƠ NHẮC NHỞ

NGƯỜI NIỆM PHẬT

Giảng giải: Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ
 

TẬP SÁU

BÀI THỨ BA

LÃO THẬT NIỆM
 

Đán chỉ lão thật niệm

Bất tất vấn như hà

Mạc quản đồng dữ dị

Hưu luận tự dữ tha

Chỉ quý nguyện lực cường

Ná phạ vọng tưởng đa

Tán loạn cố thành bệnh

Phân biệt dị nhập ma

Cảnh duyên vô hảo xú

Phật hiệu nhất tảo quá

Cú cú niệm năng chân

Quyết định xuất Ta Bà.

Tạm dịch:

Chỉ cần thật thà niệm

Không cần hỏi tại sao

Đừng lo giống và khác

Không luận mình và người

Chỉ quý nguyện lực mạnh

Không sợ vọng tưởng nhiều

Tán loạn nhiều thành bệnh

Phân biệt dễ vào ma

Cảnh duyên không tốt xấu

Phật hiệu đều quét sạch

Câu câu niệm được chân

Quyết định thoát Ta Bà.

Bài trước có nói: Ba chữ chân truyền thật thà niệm nên dùng bài lão thật niệm để nói tiếp theo sau, chúng ta phải bắn trúng đích ở giữa hồng tâm, mới là người giỏi nhất trong những người nhận được Thánh Giáo.

Chỉ cần thật thà niệm,

Không cần hỏi tại sao.

Lão thật là rất bình thường, nhưng mà rất là hiếm có. Vào đời Đường, có người hỏi một bà lão đường lên núi Đài làm sao đi.

Bà trả lời: Mạch trực khứ, tạm dịch Cứ đi thẳng. Nhiều người trong Thiền Tông đều không hiểu bà được. Chữ Mạch trực cũng giống như chữ Lão thật, cả hai đều rất bình thường và cũng rất đặc biệt. Diệu là diệu ở chỗ không dành cho bạn chỗ nào để suy nghĩ.

Nếu có chỗ để suy nghĩ thì không đúng. Niệm Phật và Tham Thiền đều là như vậy. Cho nên mở miệng nói câu đầu là nói thẳng liền: Chỉ cần thật thà niệm, tuyệt đối là duy nhất chỉ có thật thà Niệm Phật. Không có thể hỏi cái này cái nọ, nếu còn hỏi đông hỏi tây thì không còn thiệt thà nữa.

Cho nên Tông Môn có nói: Bất vấn như hà dữ nhược hà, tạm dịch là Không hỏi như sao và nếu sao.

Đừng lo giống và khác, không luận mình và người tự và tha. Tông Hoa Nghiêm y cứ vào sáu tướng mà nói cái nghĩa Pháp Giới sự sự vô ngại.

Sáu tướng là: Tổng, biệt, đồng, dị, thành và hoại. Sáu tướng này là từ thể tướng dùng ba phương diện mà thảo luận hàm nghĩa của bình đẳng và sai biệt. Đồng và dị là bình đẳng và sai biệt trên tướng.

Thí dụ hình tướng của gạch ngói và cây gỗ đều không giống nhau, nhưng mà có thể hợp thành một gian nhà, hiện thị ra tướng đồng. Gạch ngói và cây gỗ mỗi thứ đều có hình tướng khác nhau, đây là tướng dị.

Từ tướng đồng và dị mà có thể suy đoán cái Tổng và Biệt trên thể và sự, thành và hoại trên cái dụng. Cho nên ở đây dùng tổng và dị để làm đại biểu. Tự Phật và tha Phật.

Tự mình nghĩa là tự, người khác nghĩa là tha. Thân tâm là tự, vạn vật là tha. Cho nên đồng và dị bao gồm tất cả sự bình đẳng và sai biệt của thể, tướng, và dụng. Tự, tha bao gồm hết tất cả sự đối lập và thống nhất của người, mình nhân, ngã và tâm, vật.

Tất cả đều không hỏi và không để ý đến, trong tâm đơn độc chỉ là một câu A Di Đà Phật, mỗi âm thanh của câu Phật hiệu này nối liền nhau, tự nhiên sẽ được thuần nhất và sáng tỏ.

Chỉ quý nguyện lực mạnh,

Không sợ vọng tưởng nhiều.

Trong quyển Di Đà Yếu Giai có nói: Phi tín bất túc khải nguyện, phi nguyện bất túc đạo hạnh, phi trì danh diệu hạnh bất túc mãn sở nguyện, nhi chứng sở tín, tạm dịch là Tín không đủ thì không thể phát nguyện được, nguyện không đủ thì không đủ để dẫn đạo hành trì, trì danh diệu hạnh không đủ thì không thể làm tròn lời nguyện và chứng minh điều mình tin. Cho nên mới biết nguyện lực là nối tiếp và noi theo chữ tính và dắt theo diệu hạnh.

Lại nói: Tin sâu phát nguyện tức là vô thượng bồ đề, tín nguyện như vậy đúng là kim chỉ nam của Tịnh Độ. Nếu tín nguyện kiên cố, khi lâm chung mười niệm hoặc một niệm cũng được vãng sanh.

Nếu không có đầy đủ tín nguyện, cho dù niệm đến mức gió thổi không lay động, mưa rơi không thấm, vững chắc như bức tường đồng vách sắt thì cũng không vãng sanh được.

Lại nói: vãng sanh được hay không đều dựa trên có tín nguyện hay không, phẩm vị cao thấp toàn do trì danh sâu hay cạn. Nghĩa là một người tu Tịnh Độ có thể vãng sanh hay không hoàn toàn dựa trên người đó có tín nguyện hay không, nếu có tin sâu lục tín và chánh tín và nguyện thiết, không sợ thường ngày niệm Phật vọng tưởng nhiều đều quyết định được vãng sanh.

Ngược lại cho dù niệm được rất nhiều, niệm đến mức gió thổi cũng không lay động mà không có tín nguyện thì cũng không thể vãng sanh. Do đó có thể thấy lời khai thị vô cùng thù thắng của Ngẫu Ích Đại Sư cùng hai câu kệ của thầy Hạ trên đây vô cùng phù hợp.

Thầy Hạ còn mấy câu thơ như sau:

Mặc cho vọng tưởng lung tung,

Tôi niệm từng chữ rõ ràng.

Cứ để vọng tưởng tự đến rồi tự đi, tự sanh rồi tự diệt, vừa sanh xong liền tự diệt. Nói sâu thêm một chút, ngoài tự tánh thiệt là không có vọng tưởng. Vọng niệm chỉ là tự tâm vọng động cũng như sóng trên mặt nước.

Xin hỏi sóng là gì?

Sóng chỉ là nước. Cho nên vọng tưởng cũng chính là tự tâm.Vọng tưởng không dứt chỉ tại tự tâm quen tán loạn, nếu có thể thật thà niệm hoài, lâu ngày thuần thục thì vọng niệm tự nhiên không sanh.

Tán loạn nhiều thành bệnh,

Phân biệt dễ vào ma.

Tâm này như con vượn đã nhiều kiếp không có lúc nào yên tịnh chuyên nhất, tán loạn thành tập quán đương nhiên là bệnh. Người quá trung niên nếu có một chút bệnh cũng là chuyện thường.

Nhưng nếu lạc vô lưới ma rồi và chiêu cảm quả báo ở địa ngục thì nghiêm trọng hơn cả triệu lần. Tán loạn cũng như người bị cận thị, Vào ma cũng như bị lọt vào tổ chức đặc vụ của địch quân, kết quả thì là rất bi thảm.

Cho nên đừng nên phân biệt, so đo tốt hơn hoặc xấu hơn?

Tu như vậy tốt hay là như thế kia mới tốt?

Lúc thì hoan hỷ, lúc thì âu sầu, không lúc nào không ở trong sự phân biệt, lúc nào cũng không rời tâm niệm cầu thứ này cầu thứ nọ. Cho nên pháp vô thượng thù thắng vô vi biến thành pháp hữu vi.

Vì thế thầy Hạ có nói: Phân biệt tức là lưới ma niệm tới niệm lui câu nào cũng dính pháp hữu vi, đều có mong cầu thì làm sao mà thiệt thà niệm được.

Cảnh duyên không tốt xấu,

Phật hiệu đều quét sạch.

Tiếng niệm Phật bao hàm cả hư không này quét sạch tất cả những sự phân biệt tốt và xấu trong pháp thế gian và xuất thế gian cũng giống như gió mùa thu thổi lá rụng, một cơn gió thổi sạch trơn. Từ tâm phát ra âm thanh, âm thanh là Phật hiệu.

Phật hiệu có đủ vạn đức, nhiếp tròn vạn pháp, cho nên thể của tiếng niệm Phật này có đủ vạn đức vạn pháp, có đủ sức mạnh và công đức vô thượng, vô biên pháp lực, cho nên có thể quét sạch phân biệt tán loạn và các thứ hư vong.

Tiếng niệm Phật lọt vào tai của mình, lọt vào tự tâm, như hạt châu phát quang, phản chiếu lại thể của hạt châu. Ánh sáng của tâm dung hòa vào tiếng Phật hiệu hỗ tương tăng trưởng đi thẳng đến cứu cánh.

Câu câu niệm được chân,

Quyết định thoát Ta Bà.

Trong hai câu này chữ quan trọng cần giải thích nhất là chữ chân. Chỗ niệm câu nào cũng chân nhất quyết thoát ly Ta Bà, vãng sanh Cực Lạc.

Làm sao mới là chân?

Giải thích dễ hiểu nhất, nếu muốn niệm được chân thì phải chân thiệt niệm. Không phải giả bộ, ngụy trang gạt người, không chú trọng vào hình thức, không có mục đích gì khác, không có vọng cầu quá đáng, không phải là có hình dáng mà không có thật chất.

Rất thiết tha, rất thành thật mà tín nguyện và trì danh, đây là thiệt thà niệm Phật. Nói đơn giản thêm chút nữa, nếu bạn nghe tiếng niệm Phật của mình rõ rõ ràng ràng, nguyên cầu hoàn toàn nghe rõ, đây là chân thật niệm.

Trên đây ba bài Tịnh Ngữ đã nói rõ hết những nghĩa lý thâm diệu của Tịnh Tông. Sau cùng thêm bài Trực niệm khứ bao gồm tất cả sự huyền diệu của Tịnh, Thiền, và Mật. Niệm Tổ này không vẽ thêm chân vào hình con rắn nữa, xin mời tự tham niệm.

Nguyên văn:

Trực Niệm Khứ

Di Đà giáo ngã niệm Di Đà

Khẩu niệm Di Đà thính Di Đà

Di Đà Di Đà trực niệm khứ

Nguyên lai Di Đà niệm Di Đà.

Tạm dịch:

Niệm Hoài Đi

Di Đà dạy tôi niệm Di Đà

Miệng niệm Di Đà nghe Di Đà

Di Đà Di Đà cứ niệm luôn.

Hèn chi Di Đà niệm Di Đà.

***