Giaùo duïc cuûa Ñöùc Phaät laø giaùc ngoä töï taùnh
Kinh Ñieån Phaät Thuyeát vieân maõn ñuùng nghóa laø hoïc taäp vaø chuyeân tu

daitangkinh.vn

PHẬT THUYẾT

KINH LA VÂN NHẪN NHỤC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Cự, Đời Tây Tấn
 

Tôn Giả A Nan nói: Tôi theo Đức Phật được nghe như vậy: Một thuở nọ, Đức Phật trú tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thu Lộ Tử cùng La Vân, vào lúc rạng sáng mặc y, mang bát vào thành khất thực.

Khi ấy, có kẻ xấu từ xa trông thấy hai vị liền nghĩ: Đệ tử bậc nhất của Sa Môn Cù Đàm cùng La Vân đi xin ăn. Rồi khởi ý ác, lấy đất cát bỏ vào bát của Thu Lộ Tử, đánh lên đầu La Vân.

Thu Lộ Tử thấy La Vân máu chảy đầy cả mặt, nên nói: Là đệ tử của Phật, cẩn thận chớ khởi tâm ác, nên đem tâm từ thương xót chúng sinh.

Đức Thế Tôn thường dạy: Nhẫn là an vui nhất. Chỉ người trí tuệ mới có thể nghe được lời dạy của Đức Phật, trọn đời không phạm. Ta tự thâu giữ tâm, lấy nhẫn làm vật báu. Tâm phóng túng làm điều ác, giống như tự gieo mình vào lửa. Tự thị cao ngạo, người ngu cho là khỏe mạnh, bất kể tai họa sẽ trở lại hại mình.

Cái họa của sự buông thả tâm, nặng hơn đầu đội núi Tu Di, khi hết tuổi thọ rồi sẽ chịu tội ác, trong mười sáu phần chưa giảm một phần. Người ngu hướng đến Sa Môn trì giới thanh tịnh gây điều ác, giống như cầm đuốc đi ngược gió, cuồng ngu không bỏ ắt tự thiêu đốt thân.

Kẻ xấu ôm lòng ác độc, tự cho là trí tuệ, như Tỳ Kheo chấp vào bốn đạo Sa Môn. Là đệ tử của Phật thường nên điều phục tâm mình. Điều ác phát sinh liền diệt trừ ngay, trong các sức mạnh nó là hơn hết. Thiên thần, đế vương tuy gọi là nhiều lực, nhưng không bằng nhẫn chịu điều ác, sức mạnh đó không gì hơn.

La vân thấy máu chảy xuống cùng mặt, đến lấy nước rửa mặt tự nói: Ta đau đây chỉ trong giây lát, nhưng nghĩ người ác kia phải chịu khổ lâu dài, ở nơi cũng ác như thế.

Ta không khởi tâm tức giận, mà thương họ, nên làm gì cho họ?

Đức Phật là bậc tôn quý của ta, dạy ta đại từ. Đối với người cuồng loạn, hung bạo, Sa Môn nên lặng thinh nhẫn chịu mới thành bậc cao đức. Đối với kẻ hung bạo thì người ngu kính sợ, còn đối với Sa Môn giữ nhẫn, người ngu lại khinh khi. Kẻ ác này ta không hề giận họ. Họ sẽ bị luân hồi vô tận, đâu chỉ có một đời mà thôi.

Ta muốn đem kinh Phật chí chân để dạy bảo cho kẻ ngu tối, giống như đem kiếm bén cắt tử thi hôi thối, tử thi không biết đau, chẳng phải kiếm kia không bén mà do tử thi vô tri. Đem cam lồ của trời cho lợn kia ăn, lợn lại bỏ đi, chẳng phải cam lồ không ngon, mà do loài vật hôi hám mới không biết quý trọng. Đem lời chân chánh của Phật dạy bảo cho kẻ ngu si hung bạo ở đời cũng giống như vậy.

Thầy trò cùng trở về, thọ thực xong, rửa bát, rửa tay, súc miệng rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật. Thu Lộ Tử lui ra ngồi xuống, đem đầy đủ đầu đuôi sự việc xảy ra trình bày với Đức Phật.

Đức Thế Tôn nói: Ai khởi lên tâm ác là biểu lộ sự suy kém của mình. Kẻ khinh bạc kia đến nửa đêm nay sẽ qua đời, đọa vào địa ngục vô gián, quỷ ngục làm cho đau khổ không cùng, trải qua tám vạn bốn ngàn năm thọ mạng mới hết, thần hồn lại thọ thân mãng xà, ngậm nọc độc, chất độc trở lại hại thân mình, chết rồi trở lại như trước, tiếp tục thọ thân loài rắn, thường ăn đất cát, vạn năm mới hết.

Do hướng ý sân giận đến người trì giới, nên nhận chịu thân độc hại, đem đất cát bỏ vào bát, nên đời đời ăn đất cát mà chết, hết tội mới thoát khỏi, được sinh làm người, khi mẹ mang thai, thường bị bệnh nặng, trong nhà ngày càng suy hao. Đứa bé sinh ra ngu độn, không có chân tay, cha mẹ kinh sợ, dòng họ cũng vậy.

Nói: Yêu quái gì đây?

Sẽ là điềm chẳng lành, nên vứt ngay đi, liền đem đến bỏ ở ngả tư đường. Người qua lại ai thấy cũng kinh ngạc, hoặc lấy ngói đá ném, hoặc dùng dao gậy đánh lên đầu, giẫm đạp lên não, đau khổ cùng cực, trải qua mười tháng mới chết. Sau khi chết, thần hồn liền sinh trở lại cũng không tay chân, ngu độn như trước, trải qua năm trăm đời, tội nặng đó mới hết. Sau đó làm người, thường mắc bệnh đau đầu.

Đức Thế Tôn lại nói với Thu Lộ Tử: Người kia ở đời không những chịu vậy mà sinh đến đâu cũng không gặp Phật ở đời, lìa Pháp, xa Tăng, thường ở trong ba đường dữ, chết rồi liền sinh lại như cũ, kiếp số như trước.

Nếu nhờ phước còn lại, sinh ra làm người thì bẩm tánh thường ngu, bạo ngược tùy ý, tâm vẫn ghét Thánh, hủy báng bậc chí tôn, là người xấu xa, ai cũng oán ghét, sinh ra bần cùng, chẳng được làm quan, cầu không toại nguyện, Thiên Thần, Thánh Hiền đều không trợ giúp, đêm thường mộng ác, thấy toàn yêu quái, gieo họa khắp nơi, chẳng chỗ nào yên, tâm luôn sợ sệt. Nguyên do vì không chế phục tâm ác, nên khiến như vậy.

Người nhẫn chịu được những hành vi ác, sinh ở nơi nào cũng được yên vui, các tai họa đều tiêu diệt, cầu điều gì cũng được như ý, dung mạo sáng, thân thể khỏe mạnh, ít bệnh, giàu sang phú quý đều do sự nhẫn nhục, Từ bi cứu giúp chúng sinh mà được.

Nhẫn đó là phước, bản thân, cha mẹ được yên ổn, dòng họ hòa thuận, hưng thịnh, thường được vui vẻ. Người trí càng hiểu càng kính phục tinh thần ấy. Kẻ ác là người sai lầm, phá nhà hại thân, bị phép Vua giết, chết đọa vào địa ngục bị thiêu nấu, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc làm súc sanh, đều do lỗi của tâm.

Đức Thế Tôn lại nói: Thà lấy kiếm bén đâm vào bụng, lột da, gieo mình trong lửa, cẩn thận chớ che đậy điều ác. Thà đội núi Tu Di, hủy bỏ thân mạng, hoặc trầm mình xuống biển cả cho cá kình nuốt, nên cẩn thận chớ làm điều ác. Không biết nghĩa này, dè dặt chớ nói dối.

Sự sáng tỏ của pháp Phật cùng thế tục trái nhau, cái thế tục tôn quý thì đạo coi rẻ, trong đục khác dòng, trí ngu khác hướng, trung nịnh nghịch nhau, tà thường kỵ chánh, nên người ham muốn chẳng muốn mình tu hạnh không ham muốn. Thà nuốt vien sắt nóng, chứ không phỉ báng Tam Bảo.

Nhẫn là ánh sáng hơn cả nhật, nguyệt. Sức mạnh của Long tượng có thể gọi là rất mạnh nhưng so với nhẫn thì vạn vạn lần chẳng bằng một. Vẻ sáng ngời của bảy báu được người phàm tục quý trọng, nhưng rồi sẽ chuốc lấy ưu buồn, vì đưa đến tai nạn.

Nhẫn là của báu khiến cho trọn đời an vui. Bố thí khắp mười phương, tuy có phước lớn nhưng phước đó không bằng nhẫn. Tâm sẵn nhẫn nhục, hành hạnh từ bi, đời đời không oán, trong lòng thản nhiên, chẳng điều độc hại.

Đời không có chỗ nương tựa, chỉ có nhẫn mới đáng cậy nhờ. Nhẫn là là ngôi nhà an ổn, chẳng sinh ra tai nạn, yêu quái. Nhẫn là giáp thần, đao binh không núng, nhẫn là thuyền lớn vượt qua hiểm nạn, nhẫn là thuốc hay cứu mạng chúng sinh.

Chí của người nhẫn cầu gì chẳng được?

Nếu ước nguyện làm phi hành Hoàng Đế Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn thiên hạ, Đế Thích nơi Cõi Trời thứ hai và lên Cõi Trời thứ sáu, thọ mạng vô cùng, thân thể sạch thơm thì điều ước nguyện đều tự nhiên liền được thành tựu, giống như đồ vật trong nhà lấy dùng.

Bốn đạo Sa Môn thanh tịnh cầu thì có thể được, do sự hướng đến của mình. Nay ta thành Phật, được Chư Thiên tôn kính, một mình bước ra ba cõi là nhờ sức nhẫn mà đạt được.

Phật bảo các Sa Môn: Các thầy nên tụng Kinh nhẫn chớ quên, khoảnh khắc nào cũng nhớ nghĩ, hiểu biết, đọc tụng, tuyên dương, truyền bá đức nhẫn để cứu giúp chúng sinh.

Đức Phật giảng nói kinh này rồi, các Sa Môn đều rất vui mừng đảnh lễ lui ra.

***