Giaùo duïc cuûa Ñöùc Phaät laø giaùc ngoä töï taùnh
Kinh Ñieån Phaät Thuyeát vieân maõn ñuùng nghóa laø hoïc taäp vaø chuyeân tu

daitangkinh.vn

PHẬT THUYẾT KINH

KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MỘT
 

Ta nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ, Cấp Cô Độc, tại nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo, một nghìn hai trăm năm mươi người câu hội. 

Lúc đó, gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm, rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi.

Bấy giờ, ông Trưởng Lão Tu Bồ Đề, ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch áo bên vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay, mà bạch cùng Đức Phật rằng: Hi hữu thay, Đức Thế Tôn! Đức Như Lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ Tát, và khéo hay phó chúc cho các vị Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Trang thiện nam, người thiện nữ, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào?

Đức Phật dạy: Hay thay! Hay thay!

Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời của ông vừa nói, Đức Như Lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ Tát, và khéo hay phó chúc cho các vị Bồ Tát.

Nay ông nên lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói. Trang thiện nam, người thiện nữ, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, phải trụ tâm như thế này, phải hàng phục tâm mình như thế này...

Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con xin vui thích muốn nghe.

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: Các vị Đại Bồ Tát phải hàng phục tâm mình như thế này: Bao nhiêu những loài chúng sanh, hoặc là loài noãn sanh, hoặc loài thai sanh, hoặc loài thấp sanh, hoặc loài hóa sanh, hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không hình sắc, hoặc loài có tư tưởng.

Hoặc loài không tư tưởng, hoặc loài chẳng phải có tư tưởng, mà cũng chẳng phải không tư tưởng, thời ta đều làm cho được diệt độ, và đưa tất cả vào nơi Vô Dư Niết Bàn.

Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như thế, mà thiệt không có chúng sanh nào là kẻ được diệt độ cả.

Tại sao vậy?

Này, Tu Bồ Đề! Nếu vị Bồ Tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thời chẳng phải là Bồ Tát.

Tu Bồ Đề! Lại nữa, vị Bồ Tát, đúng nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc bố thí. Nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà bố thí, không trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà bố thí.

Này, Tu Bồ Đề! Vị Bồ Tát phải nên bố thí như thế, chẳng trụ trước nơi tướng.

Tại vì sao?

Vì nếu vị Bồ Tát, không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức nhiều không thể suy lường.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ sao?

Có thể suy lường được cõi hư không ở phương Đông chăng?

Bạch Đức Thế Tôn, không thể suy lường được.

Tu Bồ Đề! Có thể suy lường được cõi hư không ở phương Nam, Tây, Bắc, cõi hư không ở bốn hướng cạnh, và cõi hư không ở trên, dưới, chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không thể suy lường được.

Tu Bồ Đề! Vị Bồ Tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức cũng lại như thế, không thể suy lường được.

Tu Bồ Đề! Vị Bồ Tát chỉ phải nên đúng như lời ta đã dạy đó mà trụ.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ sao?

Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như Lai.

Bởi vì sao?

Vì Đức Như Lai nói thân tướng đó chính là chẳng phải thân tướng.

Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Phàm hễ có tướng đều là hư vọng cả. Nếu nhận thấy các tướng đều là không phải tướng, chính là thấy Như Lai.

Ông Tu Bồ Đề bạch cùng Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như có chúng sanh nào được nghe những câu trong bài giảng giải như vậy, mà sanh lòng tin là thiệt chăng?

Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Ông chớ nói lời ấy. Sau khi Đức Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới, tu phước, có thể sanh lòng tin nơi những câu trong bài này mà cho đó là thiệt.

Thời phải biết rằng người ấy chẳng phải chỉ vun trồng căn lành từ nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật, mà người đó đã vun trồng căn lành từ nơi vô lượng nghìn muôn Đức Phật rồi. Như có ai nghe những câu trong bài này sanh lòng tin trong sạch nhẫn đến chừng trong khoảng một niệm.

Tu Bồ Đề! Đức Như Lai đều thấy, đều biết, những chúng sanh đó đặng phước đức vô lượng dường ấy.

Tại vì sao?

Vì những chúng sanh đó không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp, cũng không có tướng phi pháp.

Tại vì sao?

Vì những chúng sanh đó, nếu trong lòng chấp tướng, thời chính là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp tướng pháp, thời chính là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, và vì nếu chấp tướng phi pháp, thời cũng chính là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, vì thế cho nên, chẳng nên chấp pháp, và cũng chẳng nên chấp phi pháp.

Cũng bởi nghĩa đó, Như Lai thường dạy rằng: Này, các Tỳ Kheo, các ông phải biết rằng, pháp của ta nói ra đó, dụ cũng như thuyền bè, đến pháp còn phải xả bỏ, huống nữa là phi pháp.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Đức Như Lai có chứng được quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác chăng?

Đức Như Lai có nói pháp chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thời không có pháp nhất định nào, gọi là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cũng không có pháp nhất định nào, mà Đức Như Lai có thể nói được.

Bởi vì sao?

Vì pháp của Đức Như Lai nói, đều không thể vin lấy, không thể nói được, chẳng phải pháp, chẳng phải không phải pháp.

Tại vì sao?

Vì tất cả Hiền Thánh, đều do nơi pháp vô vi mà có từng bậc khác nhau.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả Cõi Tam Thiên, Đại Thiên, để làm việc bố thí, phước đức của người đó đặng, có nhiều hay chăng?

Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều!

Tại làm sao?

Vì phước đức đó, chính là không phải thật phước đức, cho nên Đức Như Lai nói là phước đức nhiều. Còn như có người, nơi trong Kinh này, nhẫn đến thọ trì một bài kệ bốn câu v.v... lại giảng nói cho người khác, thời phước đức này trội hơn phước đức trước.

Bởi vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Tất cả các Đức Phật, và pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của các Đức Phật, đều từ Kinh này mà có ra.

Này Tu Bồ Đề! Phật Pháp nói đó chính chẳng phải là Phật Pháp.

Tu Bồ Đề! Vị Tu Đà Hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng được quả Tu Đà Hoàn chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, không thể được!

Bởi vì sao?

Vì vị Tu Đà Hoàn, gọi là bậc Nhập Lưu, và chính không nhập vào nơi đâu, chẳng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu Đà Hoàn.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Vị Tư Đà Hàm có thể tự nghĩ rằng mình được quả Tư Đà Hàm chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn không thể được.

Bởi vì sao?

Vì vị Tư Đà Hàm gọi là bậc Nhất Vãng Lai, mà thiệt không có vãng lai, đó gọi là Tư Đà Hàm.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Vị A Na Hàm có thể tự nghĩ rằng, mình được quả A Na Hàm chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn không thể được.

Bởi vì sao?

Vì vị A Na Hàm gọi là bậc Bất Lai, mà thiệt không có tướng bất lai, cho nên gọi là A Na Hàm.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Vị A La Hán có thể tự nghĩ rằng, mình chứng được quả vị A La Hán chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn không thể được.

Bởi vì sao?

Vì thiệt không có pháp chi gọi là A La Hán.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu như vị A La Hán nghĩ thế này: Ta chứng được quả vị A La Hán, thời chính là còn chấp trước tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật dạy rằng con được môn vô tranh tam muội, là bậc nhất trong mọi người, là bậc A La Hán ly dục thứ nhất.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu con tự nghĩ rằng mình được quả vị A La Hán, thời chắc Đức Thế Tôn chẳng nói: Tu Bồ Đề là người ưa hạnh tịch tịnh. Bởi Tu Bồ Đề thiệt không khởi một niệm, mới gọi Tu Bồ Đề là ưa hạnh tịch tịnh.

Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Ý của ông nghĩ thế nào?

Thuở xưa, hồi ở chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Như Lai có chứng đắc nơi pháp chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không!

Hồi ở chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, nơi pháp, Đức Như Lai thiệt không có chỗ chứng đắc.

Này, Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Bồ Tát có trang nghiêm Phật độ chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không, tại vì sao?

Vì trang nghiêm Phật Độ đó, chính chẳng phải trang nghiêm, đó tạm gọi là trang nghiêm.

Này, Tu Bồ Đề! Vì thế các vị đại Bồ Tát, phải nên sanh tâm thanh tịnh như vậy: Chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, và pháp, mà sanh tâm, nên không chỗ trụ trước mà sanh tâm thanh tịnh kia.

Này, Tu Bồ Đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu Di, ý của ông nghĩ thế nào?

Thân của người đó, có lớn chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Rất lớn!

Bởi vì sao?

Vì Đức Phật nói chẳng phải thân, đó mới gọi là thân lớn.

Tu Bồ Đề! Như trong một Sông Hằng có bao nhiêu số cát, lại có những Sông Hằng nhiều như số cát đó.

Ý của ông nghĩ thế nào?

Số cát trong những Sông Hằng đó, chừng có nhiều chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Rất nhiều! Nội những Sông Hằng đã là nhiều vô số rồi, huống nữa là số cát trong sông.

Này, Tu Bồ Đề!

Nay ta nói thật mà bảo ông: Nếu có trang nam tử, thiện nữ nhân nào đem bảy thứ báu đầy cả ngần ấy hằng hà sa số cõi tam thiên đại thiên để làm việc bố thí, người đó đặng phước có nhiều không?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều!

Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Nơi trong Kinh này, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào, thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... và giảng nói cho người khác nghe, thời phước đức này hơn phước đức trước kia.

Này Tu Bồ Đề! Lại nữa, tùy chỗ nào giảng nói Kinh này, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... phải biết chỗ đó, tất cả Trời, Người, A Tu La... trong đời, đều nên cúng dường như là tháp miếu thờ Đức Phật. Huống nữa là, có người nào hay thọ trì, đọc tụng, trọn cả Kinh này.

Này Tu Bồ Đề! Phải biết người ấy thành tựu pháp tối thượng, hy hữu bậc nhất. Còn nếu Kinh Điển này ở tại chỗ nào, thời chỗ đó chính là có Đức Phật, hoặc có hàng tôn trọng Đệ Tử của Phật.

Bấy giờ, ông Tu Bồ Đề bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tên gọi Kinh này là gì?

Chúng con phải phụng trì thế nào?

Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề rằng: Kinh này tên là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, ông nên theo danh tự ấy mà phụng trì.

Bởi vì sao?

Này Tu Bồ Đề, Đức Phật nói bát nhã Ba La Mật, chính chẳng phải bát nhã Ba La Mật, đó gọi là bát nhã Ba La Mật.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Đức Như Lai có chỗ nào nói pháp chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai không có chỗ nào nói pháp.

Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào?

Bao nhiêu vi trần trong cõi tam thiên, đại thiên, thế là nhiều chăng?

Ông Tu Bồ Đề bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều!

Này Tu Bồ Đề! Những vi trần ấy, Đức Như Lai nói chẳng phải vi trần, đó tạm gọi là vi trần. Đức Như Lai nói thế giới cũng chẳng phải thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới.

Này Tu Bồ Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào?

Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không! Chẳng có thể do ba mươi hai tướng mà thấy được Như Lai.

Bởi vì sao?

Đức Như Lai nói ba mươi hai tướng chính chẳng phải tướng, đó chỉ tạm gọi tên là ba mươi hai tướng.

Tu Bồ Đề! Như có trang thiện nam, người thiện nữ nào, đem thân mạng, bằng số cát Sông Hằng ra bố thí. Nếu lại có người giữ theo trong Kinh này, mà thọ trì nhẫn đến những bài kệ bốn câu v.v... mà giảng nói cho người khác nghe, thời phước của người này nhiều hơn người trên.

Bấy giờ, ông Tu Bồ Đề nghe Đức Phật nói Kinh này, thời ông hiểu thấu nghĩa thú của Kinh, nên ông buồn khóc, rơi lệ mà bạch với Đức Phật rằng: Hi hữu thay, Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói Kinh Điển rất sâu xa dường ấy, từ ngày trước khi đặng huệ nhãn đến nay, con chưa từng được nghe Kinh Điển như thế này.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe Kinh này, mà có lòng tin thanh tịnh, thời chính là sanh thiệt tướng. Phải biết người ấy thành tựu công đức hi hữu bậc nhất.

Bạch Đức Thế Tôn! Thiệt tướng đó chính chẳng phải tướng, cho nên Đức Như Lai gọi là thiệt tướng.

Bạch Đức Thế Tôn! Nay con được nghe Kinh Điển như thế này, con tin hiểu, thọ trì, chẳng đủ lấy làm khó. Nếu khoảng năm trăm năm rốt sau ở đời tương lai, mà có chúng sanh nào đặng nghe Kinh này, rồi tin hiểu thọ trì, thời người ấy chính là hi hữu bậc nhất.

Bởi vì sao?

Người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả.

Vì sao thế?

Vì tướng ngã chính là không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, chính là không phải tướng.

Bởi vì sao?

Vì rời lìa tất cả tướng, chính đó gọi là Chư Phật.

***