Giaùo duïc cuûa Ñöùc Phaät laø giaùc ngoä töï taùnh
Kinh Ñieån Phaät Thuyeát vieân maõn ñuùng nghóa laø hoïc taäp vaø chuyeân tu

daitangkinh.vn

PHẬT THUYẾT KINH BÁNG PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Thế Tôn đang trụ tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo và tám mươi ngàn vị Bồ Tát.

Lúc đó, trong hội có Đại Bồ Tát tên là Ly Ưu Bi, đang ngồi trong đại hội, có Đại Bồ Tát Sư Tử Du Hý, Đại Bồ Tát Trí Quang Minh, Đại Bồ Tát Phạm Lôi Âm Hưởng Vân Thanh, Đại Bồ Tát Thiện Tác Công Đức Bảo Hoa Quang Minh, Đại Bồ Tát Sư Tử Du Bộ Vân Lôi Âm Thanh, Đại Bồ Tát Quang Minh Oai Đức Danh Văn, Đại Bồ Tát Vô Biên Trí Tụ Tư Duy Trang Nghiêm, Đại Bồ Tát Vô Biên Bảo Hoa Danh Xưng, Đại Bồ Tát Trí Tuệ Quang Minh Biện Tài Thuyết Ý.

Mười vị Đại Bồ Tát này đang ngồi trong đại hội, trải qua bảy năm siêng năng sáng suốt tu tập Đà La Ni, nhưng chưa đạt được, đủ bảy năm rồi, liền sinh buồn rầu, tâm còn không định, huống nữa Đà La Ni, mong cầu không đạt được nên tâm sinh mệt mỏi.

Trong bảy năm, tách rời sự che lấp của ngu si, luôn luôn kinh hành, mong cầu Đà La Ni, nhưng không thể đạt được. Bèn bỏ giới, trở lại đời, lìa pháp Phật, làm việc thấp hèn. Đối với giáo pháp của Phật, tâm sinh nghi hoặc. Các vị này có những lỗi lầm như vậy. Đồng thời trong hội cũng có Vua A Xà Thế đang ngồi.

Đức Thế Tôn trước đã vì Vua A Xà Thế biết ăn năn cắt đứt những ngờ vực. Vua A Xà Thế ăn năn cắt đứt sự ngờ vực rồi, tất cả lo buồn đều được giải thoát, trong bảy ngày đem tiền của ra mà ban phát cho người, bố thí trọn vẹn bảy ngày. Vì muốn nghe pháp, nên bảy ức chúng sinh đều đến chỗ Đức Phật, mười vị Bồ Tát thiện nam, đã mắc tội trong Phật Pháp kia, cũng ngồi trong hội.

Lúc đó, trong hội có Đại Bồ Tát tên là Bất Úy Hạnh, được Đà La Ni, trải qua A tăng kỳ kiếp thành tựu được pháp nhẫn, đạt vô sinh nhẫn, đủ mọi biện tài, có khả năng biết trí nhất thiết trí, có khả năng nói các pháp môn, có khả năng biết sự tin hiểu sâu xa trong tâm của chúng sinh, để vì họ mà nói pháp.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Bất Úy Hạnh từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh áo qua một bên, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, hướng lên Đức Phật, thưa: Bạch Đại Đức! Mười thiện nam trong hội này, đã trải qua bảy năm, siêng năng sáng suốt tu hành Đà La Ni, nhưng sở nguyện không thành, rồi xa lìa Phật Pháp, làm người thế tục.

Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin dùng phương tiện giải thích, trình bày, để cho thiện nam này, mau chóng hiểu biết.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Bất Úy Hạnh: Này thiện nam! Nên biết, mười thiện nam này chưa từng được nghe pháp môn chê bai Phật. Do thiện nam này chê bai Phật, cho nên, từ đó đến nay, chưa thể mau chóng được thông đạt.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Bất Úy Hạnh dùng kệ tụng, thưa hỏi Đức Như Lai:

Con thưa hỏi Thế Tôn

Pháp Vương sáng rạng ngời

Nếu tu hạnh Bồ Tát

Ác nghiệp làm sao sạch.

Gọi vô lượng thắng trí

Mười Lực, trí không chướng

Giải thoát không bàn chơi

Nói tịnh hạnh Bồ Tát.

Con hỏi vô lượng trí

Con hỏi đoạn ý ác

Con hỏi bậc vô tỷ

Sao gọi hạnh Bồ Tát.

Thoát khỏi mọi trói buộc

Lìa phiền não phá ma

Biết tâm ý chúng sinh

Xin nói hạnh Bồ Tát.

Mỉm cười như hoa nở

Có trí cắt đứt dục

Nói pháp đoạn hữu ý

Xin nói hạnh Bồ Tát.

Ban niềm vui vô lượng

Hạnh lành, công đức lành

Làm lợi ích an vui

Cho tất cả thế gian.

Trải qua vô lượng đời

Bỏ mọi vật yêu mến

Trăm thứ voi, ngựa báu

Cùng vô lượng vợ con.

Lấy nhẫn, tự điều phục

Thích giới hạnh công đức

Quyết định cần sáng suốt

Ý thường không lo buồn.

Dứt sạch trăm thứ khổ

Mãn nguyện việc mong cầu

Nguyện ứng như nói pháp

Cắt bỏ khổ chúng sinh.

Xin nói xa ba cấu

Làm sao xa điều xấu

Xin nói hạnh Bồ Tát

Điều Ngự, lợi chúng sinh.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Bất Úy Hạnh: Này thiện nam! Mười Bồ Tát này vốn từng chê bai Đức Phật.

Bồ Tát Bất Úy Hạnh thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chê bai Đức Phật?

Đức Phật bảo: Này Bất Úy Hạnh! Mười Bồ Tát này vào đời quá khứ, ở kiếp thứ ba mươi, có Đức Phật, hiệu là Quán Thế Tự Tại, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, ở Thế Giới Xuất Diệm.

Này Bất Úy Hạnh! Mười thiện nam hôm nay ở trong hội này, sau khi Đức Quán Thế Tự Tại Như Lai nhập Niết Bàn đều sẽ làm trưởng giả giàu có, thuộc dòng họ lớn, xây dựng năm trăm ngôi Chùa, trong mỗi ngôi Chùa đủ cho một ngàn Tỳ Kheo.

Lúc đó, có Pháp Sư tên là Biện Tích, được Đà La Ni, ngồi trên pháp tòa, nói pháp cho đại chúng, năm ngàn Chư Phật đều cùng biện tài, tám vạn Chư Thiên bảo vệ và cúng dường.

Chỉ sau một thời nói pháp của Pháp Sư Biện Tích, đã làm cho bảy vạn chúng sinh đều đạt được không thoái lui với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và một vạn chúng sinh đắc quả Tu Đà Hoàn.

Này thiện nam! Vào thời điểm đó có Vua tên là Nguyệt Đắc, tự mình dẫn theo năm trăm thể nữ đến cúng dường cho Pháp Sư Biện Tích. Vì kính trọng pháp, nên Vua cho trổi nhạc ca hát và rải các thứ hoa báu lên các Tỳ Kheo, xoa thân bằng hương chiên đàn, đem năm trăm y tốt choàng lên các Tỳ Kheo ấy. Tất cả nhạc cụ đều được trổi lên hết lòng cúng dường trọn bảy ngày, cúng dường Pháp Sư đúng như pháp đã dạy.

Trong lúc ấy, lại có con của trưởng giả, nói Tỳ Kheo ấy là bậc hủy phá giới sạch. Do nghiệp báo này cho nên chín mươi ngàn năm đọa vào địa ngục lớn.

Trong năm trăm đời tuy sinh làm người, nhưng phải chịu thân không thể có con, sinh vào chỗ mọi rợ, sinh vào nhà xấu ác, sáu trăm đời sinh ra chịu mù tối, không lưỡi. Trong bảy trăm đời, tuy lại xuất gia, cầu Đa La Ni, nhưng không đạt được.

Vì sao?

Bởi vì đời trước đã tạo ra các chướng ác nghiệp.

Này thiện nam! Ông phải biết pháp môn này cho thấu đáo. Nay ta đã nói, ông đã được nghe rồi.

Nếu thấy Pháp Sư thật sự có phá giới, thì cũng không nên nổi sân hận, cũng không nên nói, huống nữa chỉ tai nghe mà nói ra ư?

Này thiện nam! Nếu có người, móc mắt tất cả chúng sinh, thì tội đó rất lớn. Nếu lại có người, nhìn Pháp Sư bằng tâm sân hận, thì ác nghiệp đó còn hơn người tạo nghiệp trên. Nếu có người, giết tất cả chúng sinh, thì tội đó rất nặng. Nhưng nếu có người, đối với Pháp Sư, sinh tâm ác, dù chỉ thể hiện qua nét mặt trong khoảnh khắc, thì tội đó lớn hơn tội người trên rất nhiều.

Trong trăm phần không bằng một, trong ngàn phần cũng không bằng một, trong trăm ngàn phần, A tăng kỳ phần hoặc ca la phần, số phần cũng không bằng một, thí dụ phần cho đến Ưu Ba Ni Sa Đà Phần cũng không bằng một.

Vì sao?

Vì nếu chế nhạo Pháp Sư tức là chế nhạo Đức Phật.

Này thiện nam! Nếu có người, mong muốn được cúng dường Đức Phật, người ấy nên cúng dường Pháp Sư. Nếu có người muốn cung cấp cho Đức Phật, người ấy nên cung cấp cho Pháp Sư. Nếu có người mong muốn bái lạy Đức Phật, thì người ấy nên lễ bái Pháp Sư.

Vì sao?

Vì từ nơi Bồ Tát sinh ra Nhất thiết trí, do từ Bồ Tát sinh Chư Phật.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát phát tâm bồ đề?

Bồ Tát đã phát tâm bồ đề rồi, không sống trong cái vui ham muốn, không nhiễm phiền não, không làm tất cả việc chẳng phải là phạm hạnh, nên biết như vậy. Như vậy là Bồ Tát đã nhập vào Vô sắc định không sinh vô sắc.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không theo sức tam muội mà sinh. Chỉ theo sức của nguyện mà sinh. Như vậy là Bồ Tát giải thoát mọi việc làm ngu si, không định đoạt của phàm phu. Nếu người nào, có khả năng thấy được hình thể hư không, thì người ấy có thể thấy được phiền não của Bồ Tát.

Này thiện nam! Ví như Vua Rồng A Na Bà Đạt Đa nắm giữ toàn bộ số rồng và hình tướng giống tất cả loại rồng khác. Rồng có ba điểm đặc biệt mà mọi loài đều cách xa.

1. Cát nóng không chôn được đầu của chúng.

2. Hành dục không như thân rắn.

3. Không sợ loài chim Ca lâu la.

Này thiện nam! Rồng có ba điểm đặc biệt này không thể nhiễm ô. Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, có đầy đủ mọi thứ vui đùa, ở trong ba cõi, phiền não và ham muốn không thể che lấp, nên biết như thế.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như các loại chúng sinh sống trong nước, bắt cá, bơi lội trong nước, thấy vật liền lội vào mà không bị chết đuối.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, sống trong sinh tử, làm hạnh phàm phu, nhưng lại luôn cầu trí hạnh, tu tập chánh pháp, tâm không mê loạn. Việc của phàm phu, không thể làm nhiễm ô, cái khổ của ba cõi, không thể nhiễu loạn. Thế nên, Đại Bồ Tát thường tự bảo vệ chính mình, chớ chê bai Pháp Sư.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu muốn cúng dường Phật

Hay muốn lễ Như Lai

Nên cúng dường con Phật

Là đệ nhất cúng dường.

Ta nói đem y bát

Tọa cụ, chỗ kinh hành

Cúng dường các thứ ấy

Người phát tâm bồ đề.

Như thế cúng dường Phật

Như thế cúng dường pháp

Phật lớn nhất thế gian

Đều từ pháp mà sinh.

Là Bậc Trí độc tôn

Ban ánh sáng người mù

Người mê về nẻo chánh

Hướng đến chỗ bất tử.

Đem tất cả của báu

Cúng dường tất cả Phật

Tuy phụng cúng như vậy

Chưa báo được ân Phật.

Nếu từ nay trở đi

Thường cúng dường Pháp Sư

Không chê bai nói xấu

Tức báo ân Chư Phật.

Lúc đó, Đại Bồ Tát Bất Úy Hạnh bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Có cách nào làm cho các ác nghiệp của Bồ Tát này được trong sạch không?

Đức Phật nói: Có.

Này Bất Úy Hạnh! Có Đà La Ni, nếu thiện nam này, lập chí xuất gia, chuyên tâm tụng Đà La Ni, thì ác nghiệp sẽ được trong sạch:

Đa điệt tha, a chế, a xa bà để, a na Tỳ lệ, a thí lê sát, a ngật sử đế, a na do hệ, a hệ, A Tỳ, a ly, a bà bà, đầu lâu đường nga ma, do đa nhã đa, nạp ba la phả bế, ni già địa, ưu già la hệ, hầu hầu mê, giá ba lệ, sa trì ma tế, tam ma đề, dư tri, na da ba ly thư, trì đế.

Này thiện nam! Mười vị thiện nam này, nếu có khả năng tụng câu Đà La Ni này, trong bảy ngày, buông xả tất cả, không ăn món ăn tạp, tâm không tán loạn, không đắm vào các sắc, tâm không phân biệt, xả bỏ sự cao ngạo.

Tụng mãi không thôi, không làm bất cứ việc gì, không giao tiếp kẻ xấu, thực hành tâm bình đẳng, luôn làm việc lợi ích, tâm thường tu tập, năm ấm vô thường, nhưng không xả bỏ, thường tu niệm Phật. Nếu thực hành đúng như vây, thì thấy được ngàn Đức Phật hiện trong mười phương.

Nghe Đức Phật dạy như thế, mười thiện nam đang ở trong hội này, liền xuất gia, chuyên tâm tụng câu Đà La Ni này, trọn bảy ngày, sáng suốt tùy thuận giữ lấy, cũng thường tu tập niệm Phật Tam Muội, thấy ngàn Đức Phật, thành tâm sám hối, dứt sạch nghiệp chướng ác ấy, tức thời đạt được môn nhất thiết trí tập Đà La Ni, diệt trừ nghiệp sinh tử trong ba mươi kiếp, không thoái lui Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Này Bất Úy Hạnh! Vua Nguyệt Đắc cúng dường Pháp Sư thuở đó, nay chính là Vô Lượng Thọ Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

Còn A Súc Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, chính là Pháp Sư Biện Tích thuở đó. Người chê bai Pháp Sư Biện Tích thuở đó, nay chính là mười con của trưởng giả dòng họ lớn. Mười đồng tử, con của trưởng giả thuở đó nay chính là mười vị thiện nam đang ở trong hội này. Mười đồng tử này thuở đó, chê bai Pháp Sư Biện Tích phạm tịnh giới.

Các thiện nam này theo các Bồ Tát, dù ở Chùa nào, sống trong môi trường tốt xấu, cho đến mất thân mạng, nhân duyên hết, cũng không nói lỗi của các vị ấy.

Vì sao?

Này thiện nam! Vì Bồ Tát luôn đầy đủ bốn thứ pháp trong sạch.

1. Tu hành vắng lặng.

2. Đối với tất cả chúng sinh không có tâm phá hoại.

3. Đối với các Bồ Tát thường cùng làm lợi ích.

4. Nói pháp không mong cầu lợi riêng cho đời sống chính mình.

Này thiện nam! Bốn pháp này, Đại Bồ Tát thanh tịnh pháp bồ đề.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền nói kệ:

Nếu hay tin hiểu: Không

Phật nói pháp đệ nhất

Hạnh trong sạch là vậy

Hạnh không có buông lung.

Không phá hoại chúng sinh

Không nói lời phá hoại

Người ấy được thành Phật

Ánh sáng chiếu thế gian.

Là đạo sáng thứ hai

Nghe rồi làm lợi ích

Nhịn nhục với chúng sinh

Chớ làm hạnh phá hoại.

Có pháp lành, không nhơ

Phát tâm Bồ Tát: cho

Mà không cầu trả ân

Đạo bồ đề thứ ba.

Quyết định sinh bi tâm

Nói pháp không cầu lợi

Lòng thương xót sâu xa

Đạo trí sáng thứ tư.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát tu Đà La Ni, sống nơi vắng lặng, gần kề với pháp, mặc áo sạch đơn sơ, sống an vui một mình, trong bốn oai nghi, thường luôn suy nghĩ, đem đủ các món cúng dường Pháp Sư, sinh lòng tin chân chánh, không biếng nhác, luôn siêng năng, tâm không quanh co, không lìa tâm nhớ nghĩ Phật.

Tâm không chỗ nắm bắt, khéo tu không tướng, thực hành như đã chỉ dạy, đem tâm tin hiểu, thỉnh Phật để sám hối, tùy hỷ hồi hướng, hạnh luôn chân chánh, không vượt oai nghi, thọ nhận giáo giới, nương tựa bậc cao cả tu hành tất cả, ở trong chánh pháp tu không mệt mỏi.

Lúc Đức Phật nói pháp này, có ba vạn chúng sinh, xưa nay chưa phát tâm bồ đề, nhưng khi nghe pháp này rồi đều phát tâm bồ đề. Có năm ngàn chúng sinh xa lìa được bụi dơ cõi trần, ở trong các pháp, đạt được mắt pháp trong sạch. Có ba vạn Bồ Tát tất cả đều được vô sinh pháp nhẫn.

Này thiện nam! Nếu các Đại Bồ Tát nghe được pháp môn này, thì được phước rất lớn. Nếu đem bảy báu khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, trong mỗi ngày, cúng dường Tam Bảo, cứ cúng như vậy.

Cho đến Hằng hà sa kiếp, nếu lại nghe được pháp môn này, thì phước này cao tột hơn. Nếu lại trải qua một ngàn kiếp, thực hành Kinh Năm Ba La Mật, chỉ trừ Bát Nhã Ba La Mật, nếu có người nghe pháp môn này, thì phước cũng cao tột hơn.

Này thiện nam! Nếu lại có người, sớm chiều cúng dường ngàn Đức Phật, tôn trọng ca ngợi như ý mà cung cấp. Nếu lại có người nghe pháp môn ấy, thì phước này vẫn cao hơn.

Như vậy, này thiện nam! Phải nên nhớ nghĩ, bảo vệ pháp môn như vậy, nay ta giao phó cho ông, vậy ông phải bảo vệ, nhận giữ, đọc tụng, giải thích, trình bày nghĩa ấy và ghi chép cho đến mất mạng, cũng phải nhớ nghĩ tùy thuận mà tu hành.

Đức Như Lai nói xong, Đại Bồ Tát Bất Úy Hạnh và các Bồ Tát khác, các Tỳ Kheo, tất cả chúng hội, cùng hàng Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà đều rất vui mừng.

***